KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MĂNG CỤT VÀNG

Giá bán: Liên hệ

    - +

    I . Cách trồng cây măng cụt vàng hiệu quả: 

    1 .Tiêu chuẩn lựa chọn giống cây

    Giống măng cụt vàng có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc chiết cây. Chọn hạt làm giống nên chọn những hạt to nặng từ những quả chín già. Khi lấy hạt từ quả ra nên gieo ngay vào bầu đất giữ ẩm, không nên để hạt lâu bên ngoài không khí bởi khi đó hạt sẽ dễ mất sức và không đạt tỷ lệ nảy mầm cao. 

    Vì là giống cây tự thụ phấn nên khi trồng cây từ hạt, cây con sẽ giữ nguyên đặc tính từ cây mẹ. Với phương pháp gieo trồng từ hạt, thời gian cho ra trái sẽ lâu hơn (khoảng 7 năm từ khi gieo trồng).

    2. Mật độ trồng cây măng cụt vàng

    Vì là cây cao có tán lớn, nên khoảng cách để cây có thể phát triển và sinh trưởng tốt nhất là 7m – 10m.

    3 .Các bước trồng đạt hiệu quả

    Để cây măng cụt phát triển tốt sau khi trồng thì nên trồng cây măng cụt giống theo các bước sau:

    Bước 1: Chọn vị trí tốt nhất cho cây măng cụt vàng giống

    Bởi măng cụt vàng là cây ưa ánh sáng mặt trời trực tiếp. Do đó nên chọn những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời nhất có thể. Nếu xác định trồng trong chậu để trong nhà hãy đặt chậu cây gần cửa sổ. Nếu trồng trực tiếp xuống đất thì nên tránh những khu vực thấp hoặc những nơi hay bị ngập lụt.

    Bước 2: Tiến hành trồng cây

    • Đào hố kích thước rộng gấp 3 lần bầu đất ươm cây giống.
    • Định vị cây măng cụt giống đảm bảo cây đứng thẳng và bằng với mặt đất xung quanh.
    • Lấp đất và dùng tay nén chặt để tránh hình thành các túi khí trong đất.

    Lưu ý: Khi trồng cây măng cụt vàng trong chậu nên chọn những chậu có nhiều lỗ thoát nước ở đáy và kích thước chậu lớn gấp 2 lần bầu đất ươm cây giống để đảm bảo cây có khoảng không gian tốt nhất sinh trưởng. Loại đất nên dùng là đất hữu cơ, có độ pH từ 4.7 – 6.6. Và chú ý là nên chọn nơi nhiều nắng để cây phát triển.

    II .Kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt : 

    Chăm sóc cây măng cụt vàng

    1 . Nhiệt độ – độ ẩm cho cây măng cụt vàng

    Cây măng cụt vàng có thể nói là giống cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Giống măng cụt vàng chịu lạnh và nóng tốt, có khả năng thích nghi với môi trường cao hơn giống măng cụt thường. Sau khi trồng cây con có thể chịu được nhiệt độ giảm 30 độ C so với nhiệt độ lúc mới gieo trồng. Với những khu vực có nhiệt độ lạnh hơn có thể mang cây vào trong nhà kính.

    Trong thời gian 6 tuần đầu kể từ khi trồng chỉ nên tưới 3 ngày 1 lần. Sau đó có thể giảm xuống còn 1 tuần 1 lần. Vào mùa hè có thể tưới nhiều nước hơn, khoảng 1 tuần 2 lần. Ở mùa đông chỉ nên tưới cây 2 tuần 1 lần để cây sinh trưởng tốt nhất. Tuy nhiên, vào giai đoạn trổ hoa và ra trái nên chú ý đến vấn đề tưới nước đều đặn 1 tuần 2 lần. Nếu thiếu nước quả măng cụt vàng sẽ nhỏ và không được thơm ngon.

    2. Chu kỳ phân bón cho cây măng cụt vàng

    Loại phân bón tốt nhất cho cây măng cụt vàng là phân bón hữu cơ tự nhiên. Mỗi năm một cây măng cụt vàng cần bón lượng phân từ 10 – 20kg vào mùa động. Bởi mùa đông là thời điểm tốt để bón phân và phun phân bón lá cho cây. Ngoài ra, bạn cũng nên bón thêm phân NPK hàm lượng N cao để cây có thể phát triển nhanh.

    Khi bón phân bạn nên chú ý bón theo giai đoạn:

    Giai đoạn cây chưa cho quả:

    • Năm đầu: bón khoảng 0.5kg/ 1 cây.
    • Các năm sau: tăng dần mỗi năm thêm 0.5kg/ 1 cây.

    Giai đoạn cây cho quả:

    • Lần 1: sau khi thu hoạch bạn nên bón phân hữu cơ khoảng 3 – 4kg/ 1 cây.
    • Lần 2: trước khi ra hoa 30 – 40 ngày bạn nên bón phân NPK với hàm lượng N thấp, P và K cao. Mỗi cây bạn bón 3 – 4kg DAP + Kali theo tỉ lệ 1:1.
    • Lần 3: sau khi quả có đường kính khoảng 2cm nên bón phân NPK với hàm lượng K cao để quả thơm ngon hơn. Mỗi cây nên bón khoảng 3 – 4kg phân 20 – 20 – 15.

    Lưu ý: Phụ thuộc vào tình trạng sinh trưởng của cây để có lượng phân bón thích hợp. Cụ thể là: khi cây càng lớn thì lượng phân bón càng tăng, năm được mùa bón nhiều phân hơn năm mất mùa. Đặc biệt là khi cây chậm phát triển nên tăng cường thêm phân Urea.

    3. Diệt trừ sâu bệnh

    Cây măng cụt vàng ít sâu bệnh, không cần bọc quả, có thể trồng theo phương pháp hữu cơ. Tuy nhiên vẫn nên chú ý các loại sâu bệnh sau:

    + Sâu vẽ bùa: đây là loại sâu non phá hoại cây bằng cách ăn lớp biểu bì trên lá làm lá bị biến dạng, mặt trên lá bị khô và có thể bị rụng. Khi cây bị sâu vẽ bùa nên phun thuốc Vertimec, Cyperan, Polytrin, D.C.Tronplus, Confidor.

    + Nhện đỏ: đây là loại nhện khi còn là ấu trùng có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, khi trưởng thành chuyển màu đỏ. Nhện đỏ thường gây chích cạp, hút nhựa lá và quả. Trên lá những vết thương tạo thành vết chấm nhỏ li ti trên bề mặt; khi vết chấm lan rộng, có màu ánh bạc là đã chuyển giai đoạn nặng và dẫn đến lá khô, rụng. Ở quả thì nhện đỏ thường sống ở cuống và đáy quả. Khi quả còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì khiến vỏ bị sần sùi. Khi cây có nhện đỏ thường luân phiên dùng các loại thuốc như Comite, Trebon, Danitol. Bởi nhện đỏ rất hay nhờn thuốc, nếu bạn chỉ chuyên dùng 1 loại sẽ không trị hết được.

    + Bọ trĩ: thời điểm bọ trĩ tấn công cây là khi ra hoa đến sau khi đậu quả. Bọ trĩ sẽ làm quả bị chảy nhựa làm quả xấu và có thể hỏng phần thịt quả. Bạn có thể phun các loại thuốc như Cyperan, Confidor, Trebon, Regent, Comite để phòng bọ trĩ.

    + Chết nhánh: khi nấm Pastaliotopsis sp xâm nhập vào cây sẽ làm cháy và chết nhánh nhỏ. Bệnh có thể lây lan nhanh làm cây xơ xác. Để phòng nấm bạn nên dùng loại thuốc trừ nấm như Manzate, Rovral, Derosal, Daconil,…

    + Bệnh đốm rong: đây là do nấm Cephaleuros Virescens tấn công nhánh và thân cây tạo thành các đốm đồng tiền màu vàng hoặc xám xanh. Để phòng bệnh này bạn cần cạo vết bệnh, bôi thuốc có gốc đồng hoặc vôi lên vết bị bệnh.

    4. Cắt tỉa cành, cột cành

    Khi cành còn nhỏ cần cắt tỉa những cành lá vượt, đan chéo nhau để tạo thành tán rộng. Như vậy, ánh sáng và không khí có thể đi qua những tán lá tiến vào giữa cây giúp giảm nguy cơ nấm và bệnh tật cho cây.

    Sau khi thu hoạch cần cắt bỏ những cành cây bị bệnh hay bị gãy không còn khả năng đậu quả.

    5. Thời gian thu hoạch cây măng cụt vàng

    Măng cụt vàng là loại sinh trưởng tương đối chậm. Sau khi trồng khoảng 4 – 5 năm cây măng cụt vàng sẽ cho trái. Cây dễ kết quả, sản lượng quả nhiều và không dễ rụng quả. Thời gian thu hoạch quả chín thường là vào khoảng tháng 12 đến giữa tháng 3. Nên thu hoạch khi quả đã chín, tức là khi vỏ quả đã chuyển sang màu vàng nâu bởi quả măng cụt vàng không chín thêm sau khi đã hái xuống.

    Sau khi thu hoạch nên bảo quản quả măng cụt vàng ở mức nhiệt độ từ 15 – 20 độ C với độ ẩm tương đối cao nếu không muốn quả bị héo và teo đi. Nếu bảo quản lạnh có thể để quả được trong vài tháng.

    CHÚC BÀ CON CÓ MỘT MÙA BỘI THU !

    Mọi chi tiết xin liên hệ: TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG-  HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

    Địa chỉ trụ sở giao dịch tại Miền Bắc: Khu 31ha, Ngõ 237, Đường Ngô Xuân Quảng, TT Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội